Tin tức & Sự kiện

Chia sẻ kinh nghiệm ôn thi IELTS đạt 7.5 của học sinh trường Đại học Anh Quốc BUV

HỌC TIẾNG ANH 12 NĂM NHƯNG VẪN SỐC KHI GẶP BÀI THI IELTS, NỮ SINH BUV ĐÃ LÀM GÌ ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC 7.5 OVERALL TRONG VÒNG 5 THÁNG?

Hiện nay IELTS đã trở nên phổ biến bởi những công dụng vô cùng đa năng của nó, trong đó phải kể đến việc bằng IELTS như một tấm vé thông hành vào cánh cửa trường đại học mơ ước dành cho những học sinh lớp 12. 

Biết được những lợi ích không thể chối từ khi sở hữu một chứng chỉ có giá trị quốc tế như IELTS, Phương Huyền - một học sinh tại Đại học Anh Quốc BUV, đã dành ra khoảng thời gian gần một năm để chinh phục được tấm bằng quốc tế này. Đích đến của cô bạn là band điểm 7.5, và sau khi tham dự kỳ thi IELTS vào tháng 8/2020, Phương Huyền đã xuất sắc đạt được số điểm như mong ước, trong đó là 8.5 Reading, 8.5 Listening, 7.0 Speaking và 6.5 Writing. 

Những khó khăn Huyền đã gặp phải khi bắt tay vào ôn luyện thi IELTS

Mặc dù đã học Tiếng Anh từ năm lớp 1, Huyền vẫn gặp phải nhiều khó khăn khi mới bắt đầu học IELTS. Chia sẻ về vấn đề này, Phương Huyền cho biết: “Do ban đầu mình khá chủ quan khi nghĩ rằng việc học IELTS sẽ thật đơn giản khi đã có một nền tảng Tiếng Anh vững chắc nên đã lập tức làm ngay các bài Reading và Listening trong bộ sách Cambridge. Đến lúc làm bài, mình mới “ngã ngửa” vì khác xa so với những gì mình đã học.

Chính vì vậy, khi mới bắt tay vào làm, mình chỉ được khoảng 5.5 cho 2 kĩ năng Đọc và Nghe. Mình bị sốc trong một khoảng thời gian vì số điểm này, tuy nhiên, mình đã đặt ra mục tiêu thì sẽ phải đạt được nó. Vậy nên mình đã vạch ra một kế hoạch ôn luyện cho từng kĩ năng thật nghiêm túc trong vòng 5 tháng.” Và kết quả Huyền đã đạt được thật đáng nể!

Với tấm bằng IELTS 7.5, Huyền đã thành công xin học bổng 75% của Đại học Anh Quốc Việt Nam BUV và được xét tuyển vào ba trường đại học uy tín là Đại học Ngoại thương, Học viện Ngoại giao và Đại học Bách Khoa Hà Nội. Thật là tuyệt vời phải không nào! Hãy cùng xem con đường chinh phục 7.5 IELTS của Huyền đã diễn ra như thế nào nhé!

Kinh nghiệm ôn thi IELTS của Phương Huyền

Xin chào mọi người, mình tên là Phạm Phương Huyền-hiện tại mình đang là học sinh của Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam BUV. Vào khoảng thời gian này, các bạn học sinh lớp 12 có lẽ đang dần nhận được giấy báo trúng tuyển của phương thức xét tuyển từ các trường đại học. Các phương thức xét tuyển này đa số sẽ xét tuyển dựa vào điểm IELTS hoặc điểm học bạ và sẽ được công bố trước kì thi THPT Quốc gia. Chính vì vậy, nhiều bạn học sinh sẽ lựa chọn phương thức này để đảm bảo cho mình một suất học tại các ngôi trường đại học danh giá. Và mình cũng không phải là ngoại lệ. Biết được lợi ích của tấm bằng IELTS trong việc xét tuyển đại học, mình đã đầu tư tổng thời gian 5 tháng để học và thi.

[caption id="attachment_2004" align="aligncenter" width="730"]Phương Huyền- học viên của ICE là học sinh lớp 12 tại THPT Chuyên Đại học Sư phạm Phương Huyền- học viên của ICE là học sinh tại Đại học Anh Quốc Việt Nam BUV[/caption]

Dưới đây là quá trình ôn luyện của mình, hy vọng các bạn có thể tham khảo và áp dụng cách học bản thân thấy phù hợp. 

Kinh nghiệm luyện thi IELTS từng kỹ năng của Huyền

I. Luyện Reading

Nắm chắc các phương pháp của từng dạng bài trong Reading

Reading gồm nhiều dạng bài có yêu cầu khác nhau như Matching, Multiple Choices, Identifying Information, Short answer question…vậy nên cách làm của chúng cũng khác nhau. Bạn cần tìm ra cách làm cho từng dạng và áp dụng chúng vào bài đọc. 

Phân bố thứ tự và thời gian làm bài hợp lý

Từ việc nắm chắc phương pháp làm bài của từng dạng trong IELTS Reading, bạn nên phân bố thứ tự và thời gian dành ra cho mỗi dạng bài đọc một cách hợp lý. Việc phân bổ này ảnh hưởng khá nhiều đến thời gian bạn làm một bài Reading, với cách mình phân bố thì trung bình mình sẽ mất 45-50 phút cho cả ba bài đọc. 

Theo kinh nghiệm làm bài đọc của mình, có những dạng bài cơ bản hay nằm ở Passage 1 còn những dạng bài nâng cao sẽ nằm ở Passage 2 và 3, và mình luôn thấy Passage 2 là khó nhằn nhất vậy nên thứ tự làm bài đọc của mình là Passage 1,3 rồi cuối cùng mới là 2. Trong từng Passage, thứ tự ưu tiên dạng bài của bạn cũng sẽ phải khác nhau. Nếu bạn làm theo thứ tự đề bài thì sẽ tốn khá nhiều thời gian vì đề bài không được sắp xếp theo độ khó mà sắp xếp ngẫu nhiên. Mình ưu tiên làm các bài Short answer question, Sentence completion trước rồi mới đến TFNG/YSNG. 

Cuối cùng là các dạng nâng cao như Matching và Multiple choices. Qua cách làm này, mình thấy các thông tin mà mình tìm được ở các dạng cơ bản có thể được lặp lại khi làm các dạng nâng cao, vậy nên mình không cần tốn thời gian đọc lại văn bản nữa.

Sự khác biệt giữa 7.0 và 8.5 Reading là gì?

Mình đã bị mắc kẹt ở band điểm 7.0 Reading trong một khoảng thời gian khá lâu mà không tìm ra nguyên do. Mãi đến trước 4 tháng cuối kỳ thi thì mình mới hiểu ra được vấn đề. Khi mình được 7.0 Reading, mình chỉ lướt qua văn bản và tìm theo từ khóa. Khi từ khóa đó xuất hiện trong câu trả lời là mình khoanh. Phương pháp này có thể đúng với các câu cơ bản, nhưng đến các câu đánh đố hơn là mình sai hoàn toàn. 

Mình nhận ra để được band điểm cao hơn, mình cần làm đúng các câu đánh đố, và để làm được các câu này, mình cần hiểu nghĩa thực sự của văn bản. Việc này ban đầu khá khó vì trước đó mình chỉ quen với việc tìm và khoanh đáp án chứ không hề đọc hiểu văn bản. Và để hiểu được văn bản, mình cần hiểu nghĩa của từ. Vậy là mình đã dành ra riêng 2 tháng chỉ để học từ vựng chứ không làm đề nữa. Sau khi mình hiểu được sự khác biệt giữa 2 band điểm này, mình đã tiến bộ hơn rất nhiều.

II. Luyện Listening

Luyện nghe qua sở thích cá nhân

Ban đầu khi mình hỏi tips học Listening của mọi người, nhiều bạn cũng recommend cho mình xem các video TED talks, hay BBC 6 minutes English. Nhưng sau khi mình xem chúng thì mình khá khó tiếp thu các nội dung này do mình chưa hiểu chúng và chúng không phải thứ mình yêu thích.

Vậy nên mình đã chuyển hướng sang xem các video phù hợp với trình độ và sở thích cá nhân hơn như các video makeup hay làm đẹp. Mình nhận ra là khi xem các videos liên quan tới chủ đề này thì mức độ nghe hiểu và khả năng mình xem được hết video cao hơn do chúng là sở thích của mình. Chính vì thế nên mình khuyên các bạn đừng gò bó bản thân nhé, việc học tiếng Anh dựa theo những gì mình thích sẽ khiến việc học nhẹ nhàng và thú vị hơn đó!

Đọc hiểu transcript trước khi nghe văn bản hoàn chỉnh

Khi mình mới bắt đầu nghe, có rất nhiều từ mình không nghe rõ hoặc nghe rõ nhưng không hiểu nghĩa của từ. Vậy nên điểm của mình lúc đó chỉ khoảng 6.5. Mình bắt đầu luyện nghe song song với việc xem transcript khi nghe, vừa nghe vừa nhìn transcript. Qua cách học này, mình có thể nắm được cách người nói nối chữ hay phát âm tắt các từ, giúp mình nhận dạng từ dễ hơn. Mình sẽ đọc qua một lượt transcript trước khi nghe để tìm những từ mình chưa hiểu, tra nghĩa của chúng và ghi lại vào transcript. Chính vì vậy, nên trong quá trình nghe mình không bị vấp do không hiểu nghĩa của từ nữa. Ngoài ra, đây còn là cách học từ rất hữu ích đó!

Nắm chắc cách làm của các dạng bài IELTS Listening

Giống như Reading, IELTS Listening cũng chia làm nhiều dạng bài. Tuy nhiên, bài Listening được chia làm 4 parts, nhiều hơn so với Reading. Các dạng bài này đều yêu cầu các kỹ năng làm bài khác nhau, nhưng bạn không thể chọn thứ tự làm bài của các dạng bài nghe bởi audio chỉ chạy một lượt từ đầu đến cuối theo thứ tự đề. Chính vì vậy, việc nắm chắc cách làm bài và vận dụng chúng thật nhanh trong bài nghe là điều vô cùng quan trọng. 

III. Luyện Speaking

Nắm chắc cấu trúc của bài thi nói

Bài thi nói sẽ bao gồm 3 phần, trong đó phần 1 sẽ là phần chứa từ 3 đến 4 topics khác nhau và các câu trả lời của phần 1 chỉ dài tầm 3 đến 4 câu. Phần 2 thường sẽ yêu cầu bạn miêu tả 1 trong 5 đối tượng chính (người, vật, cảnh, thời gian, cảm xúc), phần thi này thường kéo dài 2 phút và bạn sẽ có 1 phút để lên ý tưởng. Các câu hỏi phần 1 và phần 2 sẽ được giám khảo rút ra từ bộ booklet speaking có sẵn, phần 3 sẽ là discussion part (phần trao đổi) vậy nên các câu hỏi ở phần này có thể được giám khảo sáng tạo dựa trên câu trả lời của bạn.

Nắm chắc các tiêu chí đánh giá một bài thi nói

Các tiêu chí đánh giá một bài thi Speaking gồm Fluency and Coherence (mức độ trôi chảy), Lexical Resources (từ vựng), Grammatical Range and Accuracy (ngữ pháp), Pronunciation (phát âm). Việc nắm chắc được các yếu tố này khiến bạn có thể hiểu thêm về bài thi và dựa vào đó để có cách học cho phù hợp.

Đừng cố học thêm nhiều từ vựng “cao siêu”

Quan niệm chèn nhiều từ vựng càng khó càng tốt vào bài thi Speaking là một quan niệm sai lầm. Mình cũng đã từng mắc phải sai lầm này khi mới học Speaking vì nghĩ rằng càng nhiều từ khó thì sẽ càng được đánh giá cao, nhưng thực tế là không phải. Việc đánh giá một bài thi cần kết hợp cả 4 yếu tố chứ không chỉ có từ vựng. Các từ vựng hiếm và khó nên được sử dụng một cách rải rác xuyên suốt cả bài thi, chứ không phải dùng liên tục. Ngoài ra, học từ vựng là một quá trình dài và việc học từ phải đảm bảo tính ứng dụng cho nhiều kĩ năng khác, việc học các từ vựng hiếm và khó sẽ làm mất khá nhiều thời gian của bạn và đôi khi phản tác dụng nữa đó!

IV. Luyện Writing

Đừng cố chèn nhiều từ vào cao siêu vào bài viết

Đây là một lỗi mình đã rút ra từ band điểm 6.5 Writing của mình. Mình đã cố paraphrase lại nhiều từ đơn giản bằng từ khó nhằm đem lại band điểm cao hơn, tuy nhiên điều này lại phản tác dụng. Lúc mình đọc bài mình không hề nhận ra điều này, tuy nhiên, khi mình đọc bài của một bạn khác đang gặp tình trạng của mình, mình mới chợt nhận ra là mình đã mắc sai lầm như thế nào. Đôi khi, từ khó còn làm bài của bạn trở nên khó hiểu hơn đó.

Hãy viết các câu đơn, logic

Xuất phát điểm là chuyên Văn, mình có thói quen viết câu ghép và ôm đồm nhiều ý trong cùng một câu. Điều này cũng làm bài của mình trở nên khó hiểu và thiếu logic. Các bạn khi viết bài nên viết câu đơn và tách ý ra để bài viết dễ hiểu và logic hơn nha.

Tham khảo các tài liệu và cách viết từ các nguồn uy tín

Bạn có thể tham khảo cách các thầy cô dạy IELTS uy tín như thầy Simon, Vũ Hải Đăng…trình bày bài và cách họ triển khai ideas ra sao. Hồi mình ôn luyện IELTS đa số là học từ vựng và cách viết của thầy Simon-người đã từng làm giám khảo cho bài thi IELTS. Các bài viết thầy viết nhìn qua thì tưởng có vẻ rất đơn giản, tuy nhiên cách thầy triển khai ý và sử dụng từ rất hợp lý, và chính sự đơn giản đó làm nên tính logic cho bài viết của thầy. 

Trên đây là một số cách mình đã áp dụng để đạt được điểm số 7.5 IELTS, các bạn hãy lựa chọn tips học sao cho phù hợp với bản thân mình nhất nhé! Đừng quá căng thẳng và áp lực khi ôn luyện và thi cử, vì suy cho cùng, IELTS cũng chỉ là một bài thi trong vô số bài thi khác mà bạn phải trải qua, quan trọng là bạn đã học hỏi được những kỹ năng gì từ nó. Với quan niệm này, các bạn sẽ có những trải nghiệm tốt hơn khi học và thi bài thi chuẩn hóa tiếng Anh IELTS đó nha!

Bình luận “Chia sẻ kinh nghiệm ôn thi IELTS đạt 7.5 của học sinh trường Đại học Anh Quốc BUV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *